MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, KẾT QUẢ NỔI BẬT CỦA NGÀNH NGÂN HÀNG HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI DÂN BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA

Thứ tư - 15/09/2021 04:54 103 0
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, triển khai Nghị quyết 63/NQ-CP (về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022), nhằm chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế; với tinh thần nỗ lực, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp như: giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ; miễn, giảm một số loại phí giao dịch thanh toán… để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do dịch Covid – 19 gây ra.
Ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN) có mối quan hệ cộng sinh. NH cũng là DN và không nằm ngoài ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 (khi nguy cơ nợ xấu tăng…). Nhưng với tinh thần đồng hành, chia sẻ với DN, người dân, ngành NH đã kịp thời có những chính sách và vào cuộc tích cực để tháo gỡ khó khăn cho DN, tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0, giảm thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp cận dịch vụ NH. Trong bối cảnh hiện nay, NH vốn là huyết mạch của nền kinh tế, NH có vững mạnh thì càng có cơ sở và nền tảng để hỗ trợ DN và nền kinh tế vượt qua đại dịch…
         Các chính sách, giải pháp nổi bật                 Kết quả triển khai đến 31/8/2021
*Chính sách lãi suất:
- Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 03 lần giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn từ 1,5%-2,0%/nămNhững tháng đầu năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
- NHNN Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa thường xuyên triển khai, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn chủ động nguồn vốn, tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay chia sẻ khó khăn với khách hàng.
- Hưởng ứng lời kêu gọi từ NHNN, Hiệp hội NH, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN (năm 2020 và những tháng đầu năm 2021..).
 
Mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giảm khoảng 0,5%-1,5%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong 8 tháng tháng đầu năm 2021 với mức giảm khoảng 0,2%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
Một số trường hợp cụ thể:
VietinBank Khánh Hòa: đã thực hiện giảm lãi suất cho tất cả các khách hàng khó khăn vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, mức giảm từ 0,5% – 1%/năm. BIDV Khánh Hòa: Từ tháng 8/2021, BIDV Khánh Hòa  đã giảm thêm lãi suất (LS) cho vay đối với các món vay hiện hữu cho 04 doanh nghiệp, mức giảm từ 0,5% – 1,1%, dư nợ được giảm LS khoảng 470 tỷ đồng. Giảm LS cho gần 3000 khoản vay cá nhân từ tháng 8/2021 cho đến hết kỳ hạn vay hoặc 31/12/2021 với tổng dư nợ 1.500 tỷ đồng. BIDV Nha Trang: giảm LS từ 0,5% - 1%/năm cho 290 khách hàng cá nhân (408 khoản vay với tổng dư nợ 519 tỷ đồng); giảm LS từ 0,5% - 1,5%/năm đối với 14 khách hàng doanh nghiệp (240 khoản vay với tổng dư nợ 457 tỷ đồng). Vietcombank Nha Trang: giảm LS vay cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp từ 0,5%-1% từ ngày 15/7/2021 – 31/12/2021. Vietcombank Khánh Hòa: từ tháng 6/2021 đến nay đã triển khai 02 lần giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng với mức giảm lãi suất từ 0,5%/năm – 1%/năm. SHB Khánh Hòa đã thực hiện giảm lãi suất cho vay với các khoản vay hiện hữu, cụ thể: giảm 1,0%/năm thời hạn 03 tháng đối với khoản vay ngắn hạn; giảm 1,5%/năm thời gian 06 tháng đối với khoản vay trung dài hạn. Hiện tại, SHB Khánh Hòa đang thực hiện giảm lãi suất từ 2,0% - 3,0%/năm cho nhiều khách hàng
*Thông tư 01/2020/TT-NHNN ban hành ngày ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 (TT01) với những giải pháp có tính đột phá, chưa từng có tiền lệ.
Thông tư 01 là cơ sở pháp lý giúp các TCTD triển khai giải pháp hỗ trợ kịp thời khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19;
Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 17/5/2021. Đối với phía doanh nghiệp, việc bổ sung thêm các điều kiện để cho phép tái cơ cấu các khoản nợ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn sản xuất, khi các khoản vay được xếp vào diện được cơ cấu sẽ được gia hạn về thời gian trả nợ, làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính lên doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19. 
Còn đối với phía ngân hàng thương mại, việc sửa đổi tại Thông tư 03  có nhiều tác động tích cực trong ngắn và dài hạn. Với việc giãn bớt lộ trình trích lập dự phòng, kỳ vọng chi phí dự phòng của các ngân hàng sẽ không tăng quá mạnh trong năm 2021, từ đó giúp các NHTM có dư địa cho thu nhập giữ lại để hỗ trợ tăng cường an toàn vốn, và thúc đẩy cho vay phục vụ kinh doanh sản xuất.
Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 07/9/2021, đã kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp và TCTD đối với đợt bùng dịch Covid-19 kéo dài từ tháng 6/2021 đến nay, cụ thể:
- Mở rộng phạm vi cơ cấu thời hạn trả nợ cho các khoản nợ phát sinh đến trước ngày 01/8/2021 (Thông tư 03 quy định trước ngày 10/6/2020).
- Kéo dài thời hạn thêm 6 tháng cho các khoản vay có phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 - 30/6/2022 (Thông tư 03 quy định từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021).
- Miễn, giảm lãi phí: giao cho TCTD quyết định việc miễn, giảm lãi phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021 mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022.
*Kết quả hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 01 của NHNN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến 31/8/2021:
- Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ:
Đến 31/8/2021, các Chi nhánh TCTD trên địa bàn đã điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho 2.323 khách hàng, với tổng giá trị nợ được cơ cấu là 9.994 tỷ đồng. Trong đó, có 353 doanh nghiệp, tổng giá trị nợ gốc, lãi được cơ cấu là 8.288 tỷ đồng.
Riêng tại Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 935 khách hàng cá nhân với dư nợ 16,4 tỷ đồng.
Các Chi nhánh TCTD đã thực hiện miễn, giảm lãi cho 139 khách hàng với dư nợ 634,61 tỷ đồng, số tiền lãi đã miễn, giảm là 3,3 tỷ đồng.
- Cho vay mới:
Các Chi nhánh TCTD đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Từ ngày 23/01/2020 đến 31/8/2021, các Chi nhánh TCTD trên địa bàn đã thực hiện cho vay mới với tổng số tiền 64.171 tỷ đồng. Đến 31/8/2021 có 21.334 khách hàng còn dư nợ, với dư nợ 23.152 tỷ đồng.
- Giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay cũ:
Đến 31/8/2021, các Chi nhánh TCTD trên địa bàn đã giảm lãi suất vay vốn đối với khoản vay cũ cho 15.316 lượt khách hàng, với dư nợ 35.744 tỷ đồng, số tiền lãi khách hàng được giảm là 196 tỷ đồng.
Tái cấp vốn đối với Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) để cho vay người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc đối với người lao động:
- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 (đã được sửa đổi, bổ sung) và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TT ngày 24/4/2020 (đã được sửa đổi, bổ sung), NHNN đã tái cấp vốn đối với NHCSXH để NHCSXH cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc đối với người lao động.
- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021, NHNN đã ban hành Thông tư số 10/2021/TT-NHNN ngày 21/7/2021 quy định về tái cấp vốn đối với NHCSXH theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Trên cơ sở giấy đề nghị vay tái cấp vốn của NHCSXH, NHNN đã ban hành Quyết định số 1266/QĐ-NHNN ngày 23/7/2021 tái cấp vốn đối với NHCSXH theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg với số tiền tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng.
- Cho vay trả lương ngừng việc cho người lao động theo Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 154/NQ-CP: Đến ngày 31/01/2021 (thời điểm dừng giải ngân theo quy định), Chi nhánh NHCSXH tỉnh Khánh Hòa đã giải ngân cho 03 khách hàng là người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc cho 433 lao động, dư nợ 0,972 tỷ đồng.


- Cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP:
  Đến 31/8/2021, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Khánh Hòa đã giải ngân cho vay 05 khách hàng hàng là người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc cho 496 lao động, dư nợ 1,763 tỷ đồng.
Miễn giảm phí dịch vụ thanh toán:
*NHNN đã 3 lần thực hiện giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống TTĐTLNH cho các TCTD .
Lần 1: áp dụng từ ngày 01/4-31/12/2020.
Lần 2: áp dụng từ ngày 01/01-30/6/2021. Tổng số phí dịch vụ NHNN giảm cho các TCTD là 471 tỷ đồng (năm 2020 là 281 tỷ đồng và 6 tháng năm 2021 là khoảng 196,27 tỷ đồng), NHNN Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa đã giảm tổng cộng 0,34 tỷ đồng phí liên ngân hàng cho Kho bạc Nhà nước tỉnh. Đồng thời, NHNN đã thực hiện hoàn phí giao dịch cho Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện giải ngân cho vay theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ[1].
Lần 3: áp dụng từ ngày 01/9/2021 đến hết ngày 30/6/2022 (Thông tư 13/2021/TT-NHNN ngày 23/8/2021)
* Từ đầu năm 2021 đến nay, NHNN đã 2 lần có chỉ đạo tới các TCTD và Napas thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân: (i) thực hiện miễn phí chuyển tiền ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19, nghiên cứu, chỉnh sửa ứng dụng và tạo mã QR cho phép khách hàng dễ dàng nhận biết và thao tác, thực hiện chuyển tiền ủng hộ Quỹ vắc-xin một cách nhanh chóng, thuận tiện; (ii) chỉ đạo, định hướng đối với NAPAS về việc tiếp tục giảm phí chuyển mạch năm 2021 và yêu cầu TCTD áp dụng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán với thời gian thực hiện tối thiểu từ ngày 01/8/2021 đến hết ngày 31/12/2021
* NHNN Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa thường xuyên chỉ đạo các TCTD tăng cường phối hợp, mở rộng kết nối với các ngành, lĩnh vực để cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công. Triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, các dịch vụ ngân hàng số; nghiên cứu áp dụng công nghệ, phương thức thanh toán mới, hiện đại nhằm phát triển các dịch vụ thanh toán tiện lợi an toàn cho khách hàng.
- Thực hiện chỉ đạo của NHNN, Napas và các TCTD đã 03 lần thực hiện giảm phí giao dịch thanh toán điện tử cho khách hàng.
Lần 1: giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 VND trở xuống), áp dụng từ ngày 25/2/2020.
Lần 2: điều chỉnh giảm phí dịch vụ đối với phí dịch vụ thanh toán cho các món thanh toán có giá trị từ 500.001VND-2.000.000VND cho khách hàng và giảm giá sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng với khách hàng, thời gian thực hiện từ ngày 25/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020.
Lần 3: thực hiện giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử tương đương với mức giảm của NHNN theo Thông tư 19/2020/TT-NHNN, áp dụng từ ngày 01/01-30/6/2021.
- Ngoài ra, theo chỉ đạo của NHNN, Napas và các TCTD còn thực hiện các chính sách miễn phí dịch vụ thanh toán như: (i) Miễn phí dịch vụ thanh toán với các giao dịch thanh toán trực tuyến (online) các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương; (ii) Miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn qua tài khoản ngân hàng; (ii) Miễn phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ theo Nghị Quyết số 42 và Quyết định số 15/220/QĐ-TTg ngày 24/4/2020. Bên cạnh việc thực hiện chỉ đạo của NHNN, nhiều ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán thời gian qua đã áp dụng nhiều chính sách miễn phí giao dịch chuyển tiền thanh toán điện tử (Techcombank, Agribank, MB..) hoặc đưa ra các gói sản phẩm miễn phí (zero fee) có điều kiện (Vietinbank, VCB, BIDV, TPbank, VIB, Seabank, PVCombank, VPBank, UOB, Hongleong,…).
*Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa:
- Các TCTD áp dụng nhiều chính sách miễn, giảm các loại phí nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế sự lây lan của virus Corona.
- Đẩy mạnh triển khai các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo việc giao dịch không tại quầy ngày càng đa dạng nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật; phát triển chương trình mở tài khoản online cho khách hàng; phát triển và đưa vào hoạt động chương trình quản lý dòng tiền cho khách hàng tổ chức…. truyền thông đến khách hàng các tính năng của ngân hàng điện tử.
Công tác ASXH và phòng chống Covid-19
*Với tinh thần tương thân tương ái, ngành NH luôn đi đầu trong công tác an sinh xã hội, đồng hành, chia sẻ với khó khăn của người dân, doanh nghiệp trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19. 
Tổng số tiền Ngân hàng Khánh Hòa đã hỗ trợ công tác an sinh xã hội, phòng chống Covid-19 là trên 16 tỷ đồng, trong đó:
- Ủng hộ chương trình mua vắc xin phòng Covid-19: 1,14 tỷ đồng;
- Hỗ trợ Trung tâm Cứu trợ Covid-19 tỉnh: 14,325 tỷ đồng (3,45 tỷ đồng tiền mặt, 03 xe cấp cứu, 20 bộ máy thở) và 9,5 tấn gạo;
- Các hoạt động hỗ trợ khác: 0,976 tỷ đồng.
Tín dụng chính sách tại NHCSXH Kết quả:
Đến ngày 31/8/2021, dư nợ cho vay đạt 3.288,63 tỷ đồng, so đầu năm tăng 176,02 tỷ đồng với 5,66%. Dư nợ cho vay một số chương trình lớn như: Cho vay hộ nghèo 200,79 tỷ đồng; Cho vay hộ cận nghèo 482,57 tỷ đồng;  Cho vay hộ mới thoát nghèo 351,9 tỷ đồng; Cho vay giải quyết việc làm 522,8 tỷ đồng; Cho vay học sinh, sinh viên 69,45 tỷ đồng; Cho vay hộ gia đình SXKD vùng khó khăn 359,66 tỷ đồng; Cho vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường 1.059,05 tỷ đồng; Cho vay hộ nghèo làm nhà ở 5,05 tỷ đồng; Cho vay nhà ở xã hội 222,7 tỷ đồng;Cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc: 2,736 tỷ đồng.
 
 
[1] Quyết định 978/QĐ-NHNN ngày 20/5/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây